Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý tới dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Mang thai là một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng của mỗi người mẹ. Ngoài niềm hạnh phúc khi sẽ được đón chào đứa con của mình thì mẹ bầu cũng rất băn khoăn về khoản ăn uống làm sao cho đủ chất và tốt cho thai nhi.
Vì chế độ dinh dưỡng mang tính quyết định tới cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu tham khảo bài viết này để có một chế độ dinh dưỡng giúp cả mẹ và thai nhi khỏe mạnh phát triển nhé.
Tầm quan trọng trong đảm bảo chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ
3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, hệ thống thần kinh của trẻ sẽ bắt đầu phát triển khi sang đến tuần thứ 4 của thai kỳ.
Song song với quá trình phát triển của tim, hệ tuần hoàn cũng như các cơ quan nội tạng khác, sang đến tuần thứ 6 thì não và tuỷ sống sẽ hình thành. Và tới tuần thứ 12, về cơ bản các bộ phận như tay, chân, miệng, mắt, mũi,… cấu thành nên cơ thể của thai nhi sẽ được hoàn thiện.
Thai nhi rất cần được cung cấp đầy đủ những dưỡng chất như axit folic, sắt, canxi, vitamin D,… để được phát triển toàn diện. Nếu mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết thì thai nhi rất dễ bị dị tật, suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ cao bị sảy thai. Do đó, chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ rất quan trọng trong việc đảm bảo mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các chất dinh dưỡng cần thiết trong 3 tháng đầu thai kỳ
Thực phẩm chứa axit folic
Axit folic, còn được gọi là vitamin B9, là vi chất không thể thiếu trong quá trình phát triển của thai nhi, giúp thai nhi tổng hợp AND trong 3 tháng đầu và còn giúp ngăn ngừa khiếm khuyết ống thần kinh cũng như dị tật tim, sứt môi, hở hàm ếch ở trẻ…
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung lượng axit folic khoảng 400-600mcg/ngày. Tốt nhất là bổ sung axit folic ngay từ khi có dự định mang thai. Nguồn bổ sung axit folic mà mẹ bầu nên chú ý để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày là gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau màu xanh thẫm (cải xanh, súp lơ xanh,…), đậu nành, cà chua, cam…
Đồng thời mẹ có thể bổ sung axit folic qua viên uống theo đơn thuốc của bác sĩ.
Thực phẩm cung cấp sắt
Sắt giữ nhiệm vụ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, đồng thời giúp phát triển não bộ của thai nhi. Ngoài ra, chất này còn góp phần cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu nên nếu thiếu sắt, mẹ bầu sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, da xanh xao, kéo dài có thể làm tăng nguy cơ sinh non, bé sinh thiếu cân.
Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình đặc biệt là vào giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ các thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt bò, các loại thịt đỏ, cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc… Lượng sắt mẹ bầu cần bổ sung trong thời gian này là khoảng 45-90mg/ ngày. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể sử dụng thêm viên uống cung cấp sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Thực phẩm giàu Canxi
Mẹ bầu cần bổ sung 800 – 1000mg canxi trong 3 tháng đầu thai kỳ và tăng dần vào các quý tiếp theo. Những thực phẩm giàu canxi như cua đồng, tôm,cá, rau xanh, đậu đỗ, các loại sữa tươi như sữa bò, sữa dê, sữa bột… Chỉ khi được bổ sung đủ canxi, bé cưng trong bụng mẹ mới có thể hình thành và xây dựng hệ xương, răng vững chắc.
Canxi còn giúp hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ và giúp mẹ tránh bị loãng xương sau sinh. Thiếu canxi, mẹ bầu có thể cảm thấy đau nhức xương và thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ, tăng nguy cơ mắc dị tật về xương, còi xương bẩm sinh, thấp, lùn…
Xem thêm cách bổ sung canxi cho mẹ bầu tại đây
Thực phẩm giàu protein và vitamin cùng khoáng chất
Protein (chất đạm) cần thiết để củng cố và tạo các mô mới, tạo ra kháng thể cho hệ miễn dịch, giúp mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ khỏe mạnh. Protein rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai. Không chỉ vậy, protein còn giúp tăng trưởng mô vú và tử cung trong 3 tháng đầu thai kỳ, tăng cường sản sinh máu, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu protein như cá, đậu, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo,… trong cả 3 bữa ăn. Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ này, thai phụ cần khoảng 85 – 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày
Từ khi còn là phôi thai, bé đã cần phát triển hệ xương, do đó, mẹ bầu cần tăng cường vitamin D từ thực phẩm hoặc ánh nắng mặt trời. Sưởi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tối ưu. Lưu ý bà bầu hoàn toàn có thể tắm nắng sớm để hấp thu vitamin D nhằm góp phần phát triển hệ xương cho thai nhi, hỗ trợ hấp thu canxi tốt hơn.
Vitamin C là chất chống oxy hóa hữu hiệu, giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển xương sụn, cơ khớp, mạch máu cho bào thai 3 tháng đầu thai kỳ, tạo bánh nhau vững chắc, tăng cường sức đề kháng. Bà bầu có thể ăn các loại rau xanh, trái cây như bưởi, cam, quýt… giàu vitamin C.
Mẹ bầu cần được cung cấp đủ 600mcg vitamin A/ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin A gồm thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ. Vitamin C giúp hỗ trợ phát triển.
Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ
Chia 3 bữa chính thành 6 bữa nhỏ trong ngày
Khi mang thai cơ thể mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng buồn nôn, chán ăn, khó tiêu. Khi bé phát triển trong bụng cũng dẫn tới sự chèn ép lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa của người mẹ. Mẹ bầu sẽ khó có thể ăn nhiều trong một hai bữa chính.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ mẹ bầu nên chia thành nhiều bữa nhỏ (khoảng 5-6 bữa) thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Mẹ bầu có thể ăn bất cứ khi nào mà bạn cảm thấy đói. Tuy nhiên cần lựa chọn thực phẩm phù hợp và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.
Kiểm soát cân nặng theo từng tháng thai kỳ
Mặc dù nên ăn nhiều, không nên ăn kiêng nhưng mẹ bầu vẫn cần kiểm soát chặt chẽ cân nặng của mình. Không sử dụng thực phẩm quá nhiều calo dẫn tới tăng cân nặng trong khi cơ thể vẫn không đủ dinh dưỡng.
Cấm tuyệt đối các thực phẩm có hại
Các loại thực phẩm có hại cho thai nhi như đồ uống chứa caffeine, hoặc các loại bia rượu có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi, ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ và khả năng học tập, tập trung. Cá rất tốt cho sức khỏe nhưng với phụ nữ mang thai, các loại cá có chứa thủy ngân hoặc nguyên tố kim loại không được đưa vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do các chất này ảnh hưởng không tốt đến trí nào của thai nhi.
Không ăn kiêng trong thời kỳ mang thai
Nhiều thai phụ lo ngại bị tăng cân nhanh, nhiều khi mang thai nên cố gắng kiềm chế ăn uống, áp dụng chế độ ăn kiêng với mong muốn giữ cân nặng ổn định. Tuy nhiên, việc làm này rất sai lầm. Vì khi ăn kiêng, lượng chất sắt, axit folic và nhiều loại vitamin, khoáng chất sẽ bị giảm xuống. Trong khi đó, đây lại những loại dinh dưỡng cần cho thai kỳ và đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ.
Ăn kiêng không hề tốt khi mang thai. Mẹ bầu có thể giữ được cân nặng mong muốn, nhưng sức khỏe của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Bổ sung vitamin và khoáng chất trước khi sinh
Không nên cung cấp quá nhiều chỉ một vài loại vitamin, khoáng chất. Mẹ bầu cũng cần phải kiểm tra sức khỏe, tình trạng thể chất cẩn thận trước khi đưa ra chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin, khoáng chất một cách hợp lý, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Một số mẹ bầu chỉ cần bổ sung vitamin tự nhiên, nhưng một số khác cần sử dụng dưỡng chất từ các loại thuốc. Các bà bầu có bệnh lý, cần phải tư vấn bác sĩ trước để có phương án tăng cường vitamin, dưỡng chất hợp lý.
Lựa chọn các thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hóa, ăn tinh bột kết hợp protein từ thịt, kết hợp uống sữa ít béo, ít đường vào các buổi sáng tối, hoặc các chế phẩm từ sữa
Uống nước giữa các bữa ăn để tiêu hóa tốt hơn, không nên uống nước trong bữa ăn
Tránh thực phẩm khó tiêu, nhiều chất béo để hạn chế tình trạng nghén
Tuyệt đối không ăn các thực phẩm chưa nấu chín, tái, trứng sống…
Các loại hải sản, đồ chưa được nấu chín như gỏi, đồ tái, pate, sữa chua chưa tiệt trùng… đều nên tránh trong giai đoạn thai kỳ vì có thể chứa vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Ăn nhẹ các bữa giàu carbohydrate khoảng 15-20 phút trước khi ra khỏi giường như bánh quy mặn, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây sấy khô ít đường
Giảm các loại đồ ăn vặt nhiều calo, ít dinh dưỡng như đồ ngọt, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
Uống ít nhất 8 cốc nước (khoảng 2 lít) mỗi ngày, hoặc bổ sung thêm từ trái cây tươi, canh, súp trong các bữa ăn
Hy vọng bài viết trên giúp mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh, suôn sẻ. Bao gồm sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và cả chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu thai kỳ.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ có thể có những biểu hiện bất thường trong tâm lý và cả thể chất, do sự thay đổi nội tiết tố bên trong. Vì vậy, dù có cảm thấy “tâm trạng thất thường”, mẹ cũng cần chú ý đến thực phẩm mình dung nạp hàng ngày, cần tránh ăn các thực phẩm có nguy cơ tăng co thắt tử cung, gây sảy thai sớm, nguy hại đến sức khỏe bé yêu trong bụng, mẹ nhé!
Đối với các loại thực phẩm mà mẹ chưa biết rõ về lợi ích cũng như dược tính khoa học, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
Bên cạnh chú ý tới thực đơn dinh dưỡng hàng ngày trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cũng cần lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo tốt nhất cho việc mang thai, kịp thời xử lý những rủi ro phát sinh trong suốt thai kỳ. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và đáng nhớ!